[Kì I]Vén màn bí mật giai thoại về vua Gia Long: Vua qua đời vì bệnh gì?

Rate this post

Vua Gia Long được biết đến là vị vua “khai sinh” ra triều Nguyễn. So với các vị vua đời sau mất khi tại vị, Gia Long chính là người có tuổi thọ cao nhất. Ông qua đời ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tháng 2/1820), thọ 59 tuổi. Tuy nhiên, xung quanh cái chết của vua Gia Long còn rất nhiều giai thoại kể lại. Hãy cùng “vén màn bí mật” giai thoại về vua Gia Long và tìm hiểu những ghi chép về bệnh tình của vị vua này.

Công cuộc “khai sinh” triều Nguyễn của vua Gia Long

Nguyễn Ánh vốn là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát – vị chúa Nguyễn áp chót chiếm giữ bờ cõi ở Đàng Trong. Cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) được nhiều sử gia ghi chép là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777, khi mới 15 tuổi, Nguyễn Ánh đã phải bôn tẩu chịu mọi gian nan cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến kéo dài 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. 

Vua Gia Long lên ngôi và đặt tên nước ta là Việt Nam
Vua Gia Long lên ngôi và đặt tên nước ta là Việt Nam

Cho đến nay, mặc dù có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh: Nhiều người cho rằng ông là người “cõng rắn về cắn gà nhà”, từng bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại triều Tây Sơn. Chính hành động cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị người đời sau chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, Nguyễn Anh cũng là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn. Ông đã góp phần kết thúc cuộc nội chiến liên miên giữa Đàng trong – Đàng ngoài trong suốt nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn suy yếu, đây cũng chính là cơ hội tốt giúp Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, “khai sinh” ra một triều đại quân chủ mới – Triều Nguyễn. Từ triều đại của vua Gia Long, nước ta đã chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam. Vua Gia Long khi đó cũng quyết định đóng kinh đô tại thủ phủ cũ của các chúa Nguyễn trước đó là Phú Xuân (Huế).

Vua Gia Long chính thức xóa bỏ chức Tể tướng đã có từ các triều đại trước để tránh lộng quyền. Bộ máy chính trị của triều đình dưới đời vua Gia Long chỉ có 6 bộ: Lại – Hộ – Lễ – Binh – Hình – Công do các Thượng thư đứng đầu có Tả hữu tham tri, Tả hữu thị lang giúp việc. Hậu cung cũng không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng phi và bên dưới là các cung tần. Về luật pháp, vua cho thành lập bộ luật Gia Long (còn gọi là Hoàng Việt luật lệ).

Bộ luật Gia Long ra đời cải cách bộ máy nhà nước triều Nguyễn
Bộ luật Gia Long ra đời cải cách bộ máy nhà nước triều Nguyễn

Vua Gia Long cũng rất chú trọng việc tập trung vào công cuộc khai hoang mở rộng vùng trồng trọt. Chính vì vậy, so với các triều đại trước, số lượng đê, kè, cống được xây đắp nhiều nhất dưới thời Gia Long. Về chính sách đối ngoại, nhà vua đã tranh thủ được sự ủng hộ và giữ lễ thần phục nhà Thanh, giữ mối quan hệ với Ai Lao và Chân Lạp.

Sau 18 năm trị vì đất nước, năm Kỷ Mão vua Gia Long mất, hưởng thọ 59 tuổi. Đến thời điểm đó, Vua Gia Long có 31 người con, trong đó có 13 con trai và 18 con gái.

Đừng bỏ lỡ: Khái quát về triều Nguyễn: Dòng chảy lịch sử cùng quá trình “khai sinh” Thái Y Viện

Tiết lộ bí mật ghi chép về bệnh tình của vua Gia Long

Xoay quanh cuộc đời vua Gia Long có rất nhiều giai thoại khác nhau, đặc biệt là những bí mật ghi chép về tình hình sức khỏe và căn bệnh mà vua Gia Long mắc phải. Tập Ngự dược nhật ký của Châu bản triều Nguyễn có ghi chép việc Thái y viện chẩn trị cho vua Gia Long (từ ngày 15 tháng giêng năm Gia Long thứ 12 đến năm thứ 18). Trong đó có ghi chép việc thăm khám bệnh và dâng thuốc cho vua diễn ra liên tục trong thời gian này.

Châu Bản triều Nguyễn - cuốn sách quý ghi chép những tư liệu quý giá về đời sống xã hội triều Nguyễn và đặc biệt là những tư liệu y học của Thái Y Viện
Châu Bản triều Nguyễn – cuốn sách quý ghi chép những tư liệu quý giá về đời sống xã hội triều Nguyễn và đặc biệt là những tư liệu y học của Thái Y Viện

Trong tất cả các bài thuốc dâng lên vua thời điểm đó đều có điểm chung là bổ tì thận. Một số bài thuốc được ghi chép lại gồm: gia giảm Vị quan tiên (dùng trong tháng 10 năm Gia Long 18); gia giảm Thất vị thang, gia giảm Thọ tì tiễn (dùng cuối tháng 10 đến tháng 11 năm Gia Long 18). Đặc biệt, năm Gia Long thứ 18, tức năm cuối cùng của nhà vua, các tờ châu bản đã mô tả ngự mạch của vua như sau: 

“Chúng thần kính cẩn ấn lên 3 bộ mạch trái, thấy trầm tế bình đẳng, duy chỉ mạch tả xích, đề nặng thiếu lực, 3 bộ mạch phải cũng trầm tế, duy mạch hữu quan, đè nặng chưa bình hòa. Chú trọng mạch thận (tả xích) mạch tì (hữu quan), tì thận hư là nguyên nhân của bệnh”. 

Tờ châu bản ngày 4.10 năm Gia Long thứ 18, do Thái y viện khải tâu: 

“Chúng thần ngu tối, tưởng rằng mạch trầm tế là do thấp hàn làm nê tì, thận chưa an, chúng thần hội lại kính xin được sắc dâng lên thang gia giảm Vị khai tiên, để bổ tì thận, từ từ giảm bệnh, đợi ngày đông chí thì thuyên giảm được”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực YHCT đã cho biết: Căn cứ vào đơn thuốc mà vua Gia Long sử dụng, cùng những triệu chứng, nguyên nhân của bệnh, thuốc được phân chia liều lượng mỗi ngày một thang, dùng trong vài ngày. Tuy nhiên, liều lượng cùng những bài thuốc cho vua Gia Long có khi thay đổi hằng ngày và trong một ngày dùng đến 2 – 3 thang, mỗi buổi sáng và chiều khác nhau. 

Tờ Châu bản ngày 30 tháng 11 năm Gia Long thứ 18 có ghi: Trực lệ dinh Quảng Đức, cai bạ Trần Vân Đại đã trực tiếp khám và dâng thuốc. Ngoài ra, tờ Châu bản ngày 2 tháng 2 năm Gia Long thứ 18, ghi: “Nguyễn Văn Thành, ở xã Quan Chiêm, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, dâng thuốc Hồng thăng đơn cho vua dùng”. Trong tờ châu bản ông này không ký mà điểm chỉ (lăn dấu tay) có lẽ không biết chữ. 

Vua Gia Long lên ngôi và đặt tên nước ta là Việt Nam
Tờ Châu bản chẩn đoán bệnh tình cho vua

Dựa theo căn cứ này có thể thấy các quan ngự y thời điểm đó đã bắt đầu tỏ ra lúng túng, chỉ chạy theo triệu chứng mà không chú trọng trị gốc bệnh. Đây cũng là một điều bất thường trong những ghi chép về bệnh tình của vua Gia Long.

Đến khi vua băng hà, mặc dù các Châu bản không ghi cụ thể nhà vua bị bệnh gì, nhưng qua mô tả ngự mạch và ngự phương cho thấy: Ngự y đã điều trị chứng “tì – thận dương hư” với các ngự phương chữa tì vị dư hàn và chữa thận dương hư.

Theo lương y Phan Tấn Tô, tì thận dương hư là bệnh ở gan, thận và lá lách, có liên quan đến tì vị với các triệu chứng tay chân lạnh, có thể mắc bệnh tiểu đường, suy thận… Còn lương y Lê Hưng, trong bài Bệnh trạng cuối đời của vua Gia Long (đăng trên trang Hội Laser y học Bình Dương) cho rằng quá trình chữa bệnh cho vua từ việc dùng những loại thuốc bôi để chữa ghẻ ngứa, đến việc lập phương chữa chứng tì thận dương hư cho thấy nhà vua bị nhiễm khuẩn lâu năm không chữa khỏi đã dẫn đến bệnh xơ gan cổ trướng.

Châu bản triều Nguyễn cũng cho biết, vào những năm cuối đời, ngoài thuốc của Thái y, vua Gia Long cũng có dùng cả thuốc của những thầy lang bên ngoài.

Lý giải về bệnh tình của vua Gia Long và lý do vì sao các Châu bản không ghi chép cụ thể tình hình sức khỏe của vua, nhiều nhà sử học cho rằng: Căn cứ vào tình hình chính trị – xã hội bấy giờ, có thể thấy, nước ta giai đoạn đó đang bước vào thời kì khủng hoảng, dường như vua Gia Long cố gắng giấu giếm điều này để an lòng binh sĩ.

Như vậy, giai thoại về vua Gia Long cùng những bí mật về bệnh tình của vua đã phần nào được hé lộ qua cuốn Châu Bản Triều Nguyễn – Ngự dược nhật kí. Vậy tình hình sức khỏe của vua cũng như quá trình thăm khám và điều trị bệnh tại Thái Y Viện đã diễn ra như thế nào? Mời quý độc giả cùng theo dõi chi tiết ở [Kỳ II] Bài thuốc quý giúp Vua Gia Long an thần – ngon giấc!

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *