Khái quát về triều Nguyễn: Dòng chảy lịch sử cùng quá trình “khai sinh” Thái Y Viện

5/5 - (2 votes)

Triều Nguyễn là một vương triều để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Đây là triều đại đầu tiên thống nhất bờ cõi đất nước, đặt tên quốc gia là Việt Nam và cũng là “cái nôi” đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của nền y học cổ truyền dân tộc với sự ra đời của Thái Y Viện.

Khơi dòng lịch sử triều Nguyễn: Công cuộc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước

Theo sử sách ghi chép lại, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua trị vì cho đến khi chấm dứt các triều đại phong kiến. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên đặt nền móng cho vương triều Nguyễn và Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại này. 

Tên gọi “Chúa Nguyễn” là để chỉ chung về một vương triều đã cai trị dải đất từ vùng Thuận Hóa (nằm ở phía nam đèo Ngang hiện nay) vào đến phương Nam, bắt đầu từ nhà Hậu Lê giữa thế kỷ 16 đến khi bị nhà Tây Sơn diệt vong năm 1777. Các chúa Nguyễn đều là tiền thân của nhà Nguyễn – một triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Cổng Ngọ Môn thuộc kinh thành Huế xưa
Cổng Ngọ Môn thuộc kinh thành Huế xưa

Nhà Nguyễn được thành lập tính từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Triều đại này tồn tại suốt 143 năm và có 13 vị vua thuộc 7 thế hệ.

Vào thời nhà Nguyễn năm 1804 quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện dưới triều vua Gia Long. Đến năm 1839, vua Minh Mạng đổi tên nước thành Đại Nam với ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Quốc hiệu này còn tồn tại đến năm 1945 cho đến khi vua Bảo Đại đổi quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.

Triều Nguyễn được lịch sử nhìn nhận và đánh giá là một triều đại có nhiều bước thăng trầm nhất trong lịch sử. Đặc biệt, đây cũng là triều đại phải chống lại quá trình xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XXI. Về cơ bản, triều Nguyễn trải qua hai giai đoạn chính:

  • Từ năm 1802–1858 – Giai đoạn độc lập: Giai đoạn này tính từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
  • Từ 1858–1945 là giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ: Giai đoạn này tính từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào tháng 8 năm 1945.

Vua Gia Long (tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, trị vì 1802 – 1820) được biết đến là vị vua có công lớn trong việc bôn ba chinh chiến để khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc. Ông cũng chính là vị vua đã thống nhất mảnh đất chữ S và xác định chủ quyền của nước ta tại 2 quần đảo lớn là đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ triều đại này và trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương.

Vua Gia Long triều Nguyễn và những bài thuốc quý của Thái Y Viện
Vua Gia Long triều Nguyễn và những bài thuốc quý của Thái Y Viện

Triều Nguyễn kể từ đời vua Gia Long đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như:

  • Tiếp nối thành tựu của phong trào Tây Sơn, xóa bỏ tình trạng phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài, đặt cơ sở đầu tiên cho sự khôi phục nền thống nhất
  • Xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và hải đảo cùng nhiều quần đảo trên biển Đông. 
  • Triều Nguyễn mặc dù là một vương triều quân chủ tập quyền nhưng cũng đạt nhiều tiến bộ về mặt quản lý, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy khá quy củ
  • Những di sản văn hóa đồ sộ mà triều Nguyễn để lại rất đáng ghi nhận, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Đặc biệt là những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như: Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, phố cổ Hội An. 

Mặc dù còn nhiều hạn chế về bộ máy nhà nước, các bộ luật có phần khắt khe nhưng công lao và những thành tựu mà Gia Long cũng như vương triều Nguyễn đã đạt được là không thể phủ nhận.

Xem thêm: Hé lộ bí mật từ cuốn Châu Bản Triều Nguyễn – Ngự dược nhật kí tài liệu vô giá về y học triều Nguyễn

Thái Y Viện và dấu ấn vàng son của nền YHCT dưới triều Nguyễn

Thái Y Viện triều Nguyễn do vua Gia Long thành lập trong hậu cung là quan phòng chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng tộc. Thái Y Viện ra đời vào năm Gia Long thứ nhất (1802); đến năm 1804 đã cơ bản được hoàn thành. Khi mới thành lập, Thái Y Viện được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong Kinh thành. Đến đời vua Minh Mạng, Thái Y Viện lại được dời về phía đông Duyệt Thị đường, nằm trong Tử Cấm Thành (Huế).

Dưới triều vua Gia Long, Thái Y Viện mới thành lập còn sơ sài, đơn giản. Về sau, đến thời Minh Mạng lên ngôi, cơ cấu bộ máy Thái Y Viện hoàn chỉnh dần. Vua phong chức tước cho người đứng đầu Thái Y Viện là quan chính Ngự y (hàm chánh ngũ phẩm), cấp phó có 2 người quan Phó ngự y (hàm tòng ngũ phẩm), tiếp đến là các quan y chính (12 người, hàm chánh thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), quan y phó (12 người, hàm tòng thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm)… Phía dưới quan y phó tiếp tục được chia thành những cấp bậc nhỏ hơn.

Vinh nhục của những Thái Y làm việc tại Thái Y Viện (ảnh minh họa)
Vinh nhục của những Thái Y làm việc tại Thái Y Viện (ảnh minh họa)

Thái Y Viện cũng được cấp ấn riêng vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), chế ấn cấp quan phòng bằng đồng và dấu kiềm bằng ngà. Ngoài ra, vua dụ cấp cho 1 quả ấn quan phòng bằng đồng, khắc 5 chữ “Thái Y viện quan phòng”, 1 quả kiềm ngà khắc 3 chữ “Thái Y viện” do viên quản lý giữ.

Ngự y làm việc tại Thái Y Viện phải trải qua sát hạch, tuyển chọn khắt khe. Tại bản khắc về dụ của vua Tự Đức năm 1852 có viết: 

“Truyền chỉ cho các quan địa phương, đều xét hỏi trong hạt, có người nào quen nghề làm thuốc, được mọi người khen là xuất sắc ở trong hạt, thì mỗi tỉnh chọn kỹ, lấy 1 đến 2 người, kê rõ họ tên, tuổi, quê quán, rồi tư giao cho bộ Lễ, hội lại làm danh sách tâu lên. Lại hậu cấp tiền lộ phí, cấp giấy cho đến Kinh chờ đợi, rồi giao cho viện Cơ Mật, Nội các, xứ Thị vệ. 

Hội đồng sát hạch, chia hạng tâu lên, đợi Chỉ bổ dụng cho rộng nghề làm phúc. Nếu quan tỉnh để cho họ giấu giếm, trốn tránh, đến nỗi bỏ sót người giỏi, khi phát giác ra thì có lỗi không phải nhỏ”.

Chế độ lương bổng cho quan lại làm việc tại Thái Y Viện cũng rất hậu hĩnh. Thế nhưng, ngoài việc được làm việc trong hậu cung thì việc chẩn bệnh, bốc thuốc kê đơn của Thái y cũng là công việc nguy hiểm. Thái y luôn phải vô cùng cẩn trọng bởi “chữa bệnh cho vua như đùa với hổ”, chỉ sơ ý một chút là họ có thể bị xử trảm, bị chu di gia tộc.

Hoạt động của Thái Y Viện và lịch trình làm việc của Thái y phải tuân thủ theo quy định hết sức nghiêm ngặt. Ngự y liên tục phải thay nhau túc trực để vào thăm bệnh cho vua bất kể lúc nào. Nếu trường hợp vua đi ngự tuần xa, Thái Y viện sẽ cắt cử người mang theo thuốc thượng phương theo hầu, đề phòng những trường hợp bất ngờ. Chỉ có Thái y giỏi, những người am hiểu về mạch lý, chữa bệnh có hiệu quả thì mới được cấp bài ngà vào ngự chẩn.

Quá trình thăm khám và điều trị cho vua cũng được ghi chép rất chi tiết, tất cả được tổng hợp trong cuốn Châu Bản triều Nguyễn – Ngự dược nhật kí. Mỗi lần ngự chẩn xong, Ngự y phải giải thích rõ chứng bệnh cho vua biết, sau đó trở về họp bàn và kê đơn thuốc làm giấy dâng lên. Nếu được vua bằng lòng dùng thì lập tức bào chế vị thuốc tinh khiết, thượng hạng, có công hiệu cao trong việc chữa bệnh. Trước khi cung tiến thuốc lên, thuốc đã được đường quan ở Viện và Nội các xem xét, kiểm tra kĩ lưỡng. 

Hé Lộ Bí Mật Từ Cuốn Châu Bản Triều Nguyễn - Ngự Dược Nhật Kí
Cuốn Châu Bản Triều Nguyễn – tài liệu ghi chép những chuyển biến trong đời sống xã hội triều Nguyễn

Các y quan làm nghề thuốc, cứ 2 năm lại phải trải qua định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực chữa bệnh. Nếu họ chữa được khỏi bệnh cho người trong hoàng cung, đặc biệt là bệnh của vua thì vinh quang mà họ nhận được cũng ít ai sánh bằng. Khám chữa bệnh cho vua cũng được xem là một vinh hạnh lớn thời đó, góp phần thể hiện lòng trung của bậc đại thần.

Thái Y Viện triều Nguyễn hoạt động quy củ và đã từng bào chế thành công nhiều bài thuốc quý. Những bài thuốc này đến nay vẫn được dân gian truyền tai nhau rằng đó là “tiên dược”, có hiệu quả rất cao. Đặc biệt, có một số bài thuốc đã đi vào giai thoại như: bài thuốc chữa mất ngủ cho vua Gia Long thời kì đầu lập quốc, Minh Mạng thang triều Nguyễn với khả năng tăng cường sinh lý…

Cho đến nay, việc phục dựng lại các bài thuốc quý của Thái Y Viện, phục hưng thành tựu y học triều Nguyễn vẫn là niềm mong mỏi của rất nhiều y bác sĩ. Nhận thấy rõ những giá trị của các bài thuốc tại Thái Y Viện triều Nguyễn đối với sức khỏe người bệnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Y dược cổ truyền dân tộc và đơn vị Nhất Nam Y Viện đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, phục dựng những bài thuốc quý.

Như vậy, có thể thấy triều Nguyễn cùng những thành tựu y học tại Thái Y Viện chính là niềm tự hào của nền YHCT dân tộc.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *